Nhà hát Opera Sydney (Sydney Opera House, viết tắt SOH) được xem là biểu tượng nổi tiếng nhất của thành phố Sydney và cả nước Úc với kiến trúc độc đáo đẹp tuyệt vời mang hình dáng những vỏ sò hay những cánh buồm no gió ra khơi.
Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20 và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới.
Tọa lạc tại Bennelong Point ở bến cảng Sydney, gần với cây cầu Sydney Harbour cũng nổi tiếng, tòa nhà và khu xung quanh tạo nên một hình ảnh nước Úc đặc trưng. Đây là nơi trình diễn hòa nhạc thính phòng, vũ ballet, kịch và ca nhạc. Nhà hát này cũng là trụ sở của Sydney Theatre Company và Sydney Symphony Orchestra. Nhà hát được quỹ Opera House Trust quản lý (Quỹ này thuộc Sở Nghệ thuật New South Wales).
Một số dữ kiện
– Thổ dân bản địa ban đầu của khu vực này là những người thuộc bộ tộc Gadigal.
– Địa danh Bennelong Point đặt theo tên của Woollarawarre Bennelong (1764 – 1813), một thổ dân được chính quyền thuộc địa Anh ở Úc Châu mời làm người trung gian trong các liên lạc và tiếp xúc với người bản xứ. Tên nguyên thủy của người bản địa gọi vùng này là Tubowghule, có nghĩa là mé nước.
– Nhà hát Sydney Opera House (SOH) nằm trên Bennelong Point, thuở ban đầu được tạo dựng là một pháo đài và đặt tên theo Thống đốc Macquarie.
– Việc quy hoạch nhà hát Opera Sydney bắt đầu cuối thập niên 40 thế kỷ 20 khi Eugene Goossens, giám đốc của Nhạc viện bang New South Wales vận động hành lang cho một địa điểm xây nhà hát lớn. Tại thời điểm đó, địa điểm cho các chương trình kịch được tổ chức ở Tòa Thị Chính Sydney nhưng địa điểm này không đủ rộng. Đến năm 1954, Goossens đã thành công trong việc nhận được ủng hộ của Thống đốc bang New South Wales Joseph Cahill.
– Cuộc thi được phát động ngày 13/9/1955 với 233 thiết kế từ 32 quốc gia gửi đến dự thi. Tiêu chí được đưa ra rất cụ thể, đó phải có một hội trường lớn với 3,000 chỗ và một hội trường nhỏ hơn 1,200 chỗ. Mỗi không gian phải được thiết kế đáp ứng những mục đích sử dụng khác nhau như opera, hòa nhạc, hợp xướng, các cuộc hội họp lớn, các bài giảng, biểu diễn ballet…
– Vào Tháng Giêng năm 1957, Kiến trúc sư Jørn Utzon (1918 – 2008) người Đan Mạch đã được công bố là người thắng cuộc thi và được lãnh 15,000 tiền Úc lúc bấy giờ.
– Chi phí dự tính ban đầu để xây dựng Nhà hát SOH là 7,000,000$. Chi phí tổng kết cuối cùng sau khi xây xong là 102 triệu. Phần lớn kinh phí cho Nhà hát SOH được tài trợ bằng các cuộc xổ số kiến thiết quốc gia.
– Thời gian xây dựng Nhà hát SOH ước tính phải mất bốn năm nhưng đã kéo dài hơn 13 năm mới xong. Công việc bắt đầu vào Tháng 3 năm 1959 với sự tham gia của 10,000 công nhân xây dựng.
– Dự án xây dựng gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 1959 đến 1963) gồm có phần bục của nhà hát. Giai đoạn 2 (từ 1963 đến 1967) dành cho việc xây dựng hệ thống mái hình vỏ sò bên ngoài. Giai đoạn 3 (từ 1967 đến 1973) bao gồm những phần xây dựng cơ bản khác và trang trí nội thất. Nhưng ở nhiều thời điểm, công trình đã không thể diễn ra đúng kế hoạch, thậm chí chậm tới 47 tuần (vào đầu năm 1961) vì những khó khăn bất khả kháng liên quan đến thời tiết.
– Sau cùng, SOH được chính Nữ hoàng Elizabeth II cắt băng khánh thành vào ngày 20 tháng 10 năm 1973. Qua thời gian những năm sau đó, bà đã đến thăm Nhà hát Opera Sydney thêm bốn lần nữa, tổng cộng tất cả là năm lần.
– Nhiều công ty xây dựng nổi tiếng nhất trên thế giới đã tham gia vào việc xây dựng Nhà hát SOH như tổ hợp công ty xây dựng Arups, Hornibrook và Rider Hunt.
– Các mái hình cánh buồm (có người cũng gọi là vỏ sò) của Nhà hát SOH được lắp đặt bằng 3 tháp cần cẩu do Pháp chế tạo riêng cho dự án này, mỗi tháp trị giá $100,000. Nhà hát SOH là một trong những công trình xây dựng ở Úc sử dụng tháp cần cẩu.
– Nhà Hát SOH có tổng cộng 66,983.8 Sft kính đã được lắp đặt. Loại kính topaz của Nhà Hát có màu thủy tinh đặc biệt duy nhất được mua từ hãng Boussois-Souchon-Neuvesel của Pháp.
– Có tổng cộng 217.5 miles dây cáp căng được dùng trong việc xây dựng Nhà Hát SOH. Nếu nối nhau, chúng sẽ đủ dài đến thủ đô Canberra.
– Có hơn một triệu (1,056,006) viên ngói với diện tích tổng cộng khoảng 1.62 ha (16,200 m2) được lợp trên cấu trúc Nhà Hát và do hãng chế tạo gạch ngói Höganäs của Thụy Điển cung cấp. Nhìn từ xa, mái ngói chỉ toàn màu trắng. Mái ngói có đặc điểm tự làm sạch bề mặt. Dù có khả năng tự làm sạch, vẫn cần phải bảo trì và thay thế định kỳ. Mái được thiết kế để gió biển có thể luồn vào bên trong.
– Những cánh buồm (hay vỏ sò) dựng chống trên một bục nặng chắc khiến cho Sydney Opera House trở thành nhà hát lớn nhất không có cột trên thế giới.
– Vỏ mái cao nhất của Nhà Hát SOH là 67 mét trên mực nước biển, tương đương với một tòa nhà cao 22 tầng.
– SOH tọa lạc trên diện tích 1.8 ha đất, có kích thước 183m dài x 120m rộng (tính ở điểm rộng nhất). Kết cấu có 580 cột bê tông đóng sâu 25m dưới mực nước biển. Nguồn điện cung cấp cho Nhà hát tương đương công suất cho một thị trấn 25,000 dân. Hệ thống cấp điện có tổng chiều dài dây cáp 408 miles. Toàn bộ khu vực có diện tích 5.8 ha. đủ chỗ chứa tám chiếc máy bay Boeing.
– Concert Hall (đại sảnh nhạc giao hưởng) là rạp lớn nhất với 2,679 chỗ ngồi. Tại đây có cây đàn organ cơ khí lớn nhất thế giới với 10,154 ống thanh âm và phải mất 10 năm mới hoàn thành.
– Hai thang máy to lớn dùng để di chuyển các thứ đồ đạc trang trí sân khấu, chẳng hạn như những tấm phong cảnh và đạo cụ…, từ hai tầng hầm kho chứa lên sàn diễn.
– Trong một ngày, một nhân viên sân khấu làm việc tại Nhà Hát SOH đi bộ trung bình 18,681 bước hoặc 13 km.
– Mỗi năm Nhà Hát SOH thay 15,500 bóng đèn.
– Nhà hát SOH mở cửa cho công chúng 363 ngày trong năm và chỉ đóng cửa vào ngày Giáng Sinh và Thứ Sáu Tuần Thánh. Bất cứ lúc nào giờ nào cũng có nhân viên túc trực làm việc suốt mỗi ngày trong năm, 24/7.
– SOH có năm rạp (địa điểm trình diễn) với các tên gọi riêng là: The Concert Hall, The Opera Theatre, Playhouse, Drama Theatre, The Studio. Hai sảnh chính là The Forecourt và The Utzon Room. Ngoài ra còn có 4 nhà hàng, sáu quán bar rượu và một số cửa hàng lưu niệm. Bên trong tòa nhà bao gồm đá hoa cương hồng khai thác ở Tarana, New South Wales. Gỗ và gỗ dán là sản phẩm nội địa New South Wales. Các nhà hát có hình một loạt các con sò được biểu trưng bằng cách cắt ra thành các bán cầu. Sảnh hòa nhạc và nhà hát nhạc kịch được đặt ở 2 nhóm vỏ sò lớn nhất, các nhà hát khác nằm ở các nhóm vỏ sò khác. Một vài nhóm vỏ sò nhỏ hơn được dùng để đặt nhà hàng.
- Sảnh hòa nhạc giao hưởng (Concert Hall) có 2679 chỗ, là nơi có cây đàn organ dạng cơ khí lớn nhất thế giới (với hơn 10,000 ống sáo).
- Rạp hát cổ nhạc opera (Opera Theatre) có 1547 chỗ, là nơi trình diễn chính của Opera Australia. Đây cũng là bản doanh của Đoàn vũ Ballet Australia.
- Rạp diễn kịch (Drama Theatre) có 544 chỗ.
- Rạp chiếu bóng (Playhouse) có 398 chỗ.
- Phòng hợp xướng (Studio) có 364 chỗ.
Ngoài chức năng là nhà hát, Sydney Opera House cũng được sử dụng làm nơi tổ chức đám cưới, tiệc và hội nghị.
– Playhouse là một rạp chiếu phim; trong những năm cuối của thập niên 1970, đó là một địa điểm phổ biến chiếu các phim liên quan đến môn thể thao lướt sóng (surfing) như Beach Party, Ride The Wild Surf và Big Wednesday.
– Studio là một rạp được cấp phép bia rượu và khách vào xem có quyền mang bia rượu vào uống tại rạp.
– Kể từ khi SOH mở cửa vào năm 1973 cho đến Tháng Sáu năm 2005 đã có 87,839 buổi trình diễn, có 57 triệu 273 ngàn 728 lượt khán giả.
– Paul Robeson (1898 – 1976) là người đầu tiên trình diễn tại SOH. Vào một ngày năm 1960, trong lúc các công nhân xây dựng đang nghỉ ăn trưa, danh ca người Mỹ gốc da màu này đã leo lên giàn giáo và hát bản “Ol ‘Man River” nổi tiếng của vở nhạc kịch Show Boat.
– Tại phòng hòa nhạc Concert Hall, Arnold Schwarzenegger đã thắng giải thể dục thẩm mỹ (lực sĩ có thân hình đẹp nhất) với danh hiệu là “Mr. Olympia” lần cuối cùng của ông trong năm 1980.
– Một tấm lưới lớn đã được giăng trên chỗ dành cho dàn nhạc tại Nhà hát Opera trong những năm 1980 sau lần một con gà sống dùng trong vở kịch Boris Godunov đã bay ra khỏi sân khấu và đáp xuống đầu của một nhạc sĩ trung hồ cầm (cello).
– Ngày 24 tháng 11 năm 1996, buổi trình diễn từ thiện tên “Farewell to the World” của ban nhạc kích động (rock band) Crowded House tổ chức ngoài trời nơi bậc thềm SOH đã mang lại số khán giả đông kỷ lục, hàng trăm ngàn người và được trực tiếp truyền hình trên toàn thế giới.
– Nhà văn Jon Cleary đã dùng Nhà Hát Opera Sydney làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết tội phạm có tựa đề “Web Helga” với nội dung câu chuyện một tử thi được tìm thấy trong tầng hầm của nhà hát. Năm 1975, cuốn truyện này đã được dựng thành phim “Scobie Malone”, với sự diễn xuất của tài tử điện ảnh người Úc Jack Thompson.
– Nhà soạn nhạc Alan John với sự cộng tác của Dennis Watkins (viết phần dẫn thoại) soạn một vở nhạc kịch tựa là “The Eight Wonder” (Kỳ Quan Thứ Tám) để nói về lịch sử thành hình khá ly kỳ của SOH. Dĩ nhiên, buổi trình diễn ra mắt của vở kịch đã diễn ra tại không đâu khác hơn là Sydney Opera House vào ngày 14 Tháng Mười, năm 1995.
– Vào Tháng Năm, năm 2003, Kiến trúc sư Jørn Utzon, cha đẻ của nhà hát cánh buồm SOH được trao giải thưởng cao quý Pritzker, được xem như là giải Nobel của Cộng đồng Kiến trúc. Nên nói thêm là gia đình Utzon có bốn thế hệ đều là Kiến trúc sư: Aage (cha của Jørn), Jørn, Jan (con trai của Jørn), cộng với Jeppe và Kickan (là con trai và con gái của Jan).